-
  • :
|
Chào mừng đã đến với Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lai chú trọng phát triển giáo dục chất lượng cao

(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển nhanh, vững chắc cả về chất và lượng. Ngoài việc tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, ngành cũng tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng những hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp dạy học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.

P.V: Thời gian qua, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đã được ngành GD-ĐT triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
 

Ông Lê Duy Định. Ảnh: Ngọc Thu
Ông Lê Duy Định. Ảnh: Ngọc Thu

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Năng lực chuyên môn là điều kiện then chốt trong việc đảm nhiệm nhiệm vụ giáo dục con người. Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Nhà giáo phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để đạt năng lực chuyên môn tốt. Quan tâm đến chất lượng đội ngũ là để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện các mục tiêu đổi mới. Ngoài các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD-ĐT tổ chức, hàng năm, Sở đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý và lý luận chính trị, quốc phòng-an ninh.

 

Đặc biệt, ngành đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ GD-ĐT. Coi trọng việc bồi dưỡng tại chỗ, hàng ngày bằng cách tổ chức đa dạng, sáng tạo các hình thức sinh hoạt chuyên môn theo từng tổ chuyên môn ở cấp trường, cụm trường, cấp huyện và cấp tỉnh; tổ chức các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Tổ chức khảo sát kiến thức giáo viên và cán bộ quản lý, tạo động thái tích cực để cán bộ, giáo viên có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, thường xuyên cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tự nâng tầm kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành đa số có năng lực chuyên môn vững vàng. Trình độ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 5-2020, số giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của bậc mầm non là 96,3%; tiểu học 99,1%; THCS 98%; THPT 100%. Toàn ngành hiện có 5 người có trình độ tiến sĩ, 530 người có trình độ thạc sĩ và 14.198 người có trình độ đại học.

Song song với đó, để đáp ứng được yêu cầu dạy-học chất lượng cao, ngành GD-ĐT đã cùng các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học. Cơ sở vật chất của ngành đã có sự thay đổi rõ rệt với mạng lưới trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang. Các địa phương đã chú trọng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ. Ở các trường chính, tập trung xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện dạy học có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Các địa phương cấp huyện cũng quan tâm đầu tư, trang bị cuốn chiếu theo lộ trình đổi mới; tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đủ phòng học theo lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở bậc tiểu học.

 

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) trong tiết thực hành môn Vật lý. Ảnh: Đức Thụy
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) trong tiết thực hành môn Vật lý. Ảnh: Đức Thụy

 

* P.V: Xin ông cho biết, ngành GD-ĐT đã có những đột phá gì trong phát triển giáo dục chất lượng cao và hiện nay, chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực như thế nào?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Ngành GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ tổ chuyên môn, báo cáo Phòng GD-ĐT (đối với trường THCS) và Sở GD-ĐT (đối với trường THPT). Tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ cấp trên. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, điều chỉnh nội dung chương trình, soạn giảng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học, thiết kế bài giảng một cách phù hợp, đảm bảo tính vừa sức, sát với đối tượng học sinh và thực tiễn đơn vị.

Các trường đã tập trung chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Đặc biệt, Sở đã triển khai chương trình giáo dục nhà trường gắn liền với sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cuộc thi khoa học-kỹ thuật dành cho học sinh trung học và vận dụng phương pháp dạy học tiên tiến (STEM). Ngành GD-ĐT tỉnh đã phát triển phong trào dạy học, bồi dưỡng và tổ chức thi học sinh giỏi các cấp; tăng thời lượng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia hàng năm. Qua kết quả các kỳ thi, các cấp quản lý phân tích, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phù hợp.

Hiện nay, chất lượng giáo dục của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Năm học 2019-2020, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 88,5%; tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi bậc tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 90%, bậc THPT đạt 52%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng bền vững. Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 97,57% (riêng khối THPT đạt 99,5%, tăng 5,14% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu của ngành, của tỉnh đề ra). Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của tỉnh và chất lượng giải tăng vượt bậc. Kết quả tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2019-2020 đạt thành tích cao với 28 giải (2 giải nhì, 12 giải ba và 14 giải khuyến khích), tăng 15 giải so với năm học 2018-2019.

 

Tại cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia, Gia Lai đã đạt được 2 giải (tỷ lệ dự án tham gia đạt giải là 100%). Với kết quả này, Gia Lai vươn lên vị thứ 12/67 đơn vị dự thi có tỷ lệ dự án tham dự đạt giải đạt 100%. Cùng với đó, kết quả huy động học sinh THCS đến trường đạt 91,5% (đạt chỉ tiêu của tỉnh). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,13%, vượt so với kế hoạch đề ra.

* P.V: Thời gian tới, ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để phát triển giáo dục chất lượng cao, thưa ông?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, toàn ngành tiếp tục thi đua, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển giáo dục. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Duy trì sĩ số học sinh”, “Trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”...

Ngành cũng sẽ bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội của tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ mới để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp; tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; rà soát cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho việc dạy, học và công tác quản lý ngành; gắn kết trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
 

Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Chư Sê) trong một tiết học. Ảnh: Trần Dung
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Chư Sê) trong một tiết học. Ảnh: Trần Dung


Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo kỷ cương, nền nếp. Cán bộ quản lý cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định cũng như các chương trình, kế hoạch của cấp trên; có những mô hình hay, phương pháp mới phù hợp với xu thế và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Tiếp đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp. Giáo viên phải đảm bảo chuẩn theo quy định và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tạo động lực để giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, nâng cao số lượng trường đạt chuẩn quốc gia qua từng năm gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với cơ quan truyền thông của địa phương tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới giáo dục.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

TRẦN DUNG - NGỌC THU (thực hiện)


Nguồn:http://baogialai.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Bản đồ
Thống kê
Hôm nay : 811
Hôm qua : 1.543
Tháng 04 : 15.830
Tháng trước : 63.894
Năm 2024 : 1.035.190
Năm trước : 4.388.710
Tổng số : 36.806.259